Gia chủ có thể tiết kiệm chi phí không nhỏ nếu áp dụng những “thủ thuật” khá đơn giản mà lại hiệu quả, ít tốn thời gian nhưng vẫn đảm bảo đồ đồng nhà mình luôn đẹp và sáng bóng.
Ý nghĩa của đồ thờ cúng bằng đồng
Đồ thờ cúng bằng đồng không chỉ là một trong những hình thái tín ngưỡng cổ truyền phổ biến nhất, mà còn là nét đẹp văn hóa tâm linh được nhân dân kế thừa và gìn giữ cho đến ngày nay. Vào dịp lễ hội hay ngày Tết, những bộ thờ cúng bằng đồng là vật mà hầu như nhà nào cũng chăm chút làm sạch, đánh bóng để làm đẹp cho bàn thờ gia tiên.
Trên bàn thờ của gia chủ, tùy theo quy mô và điều kiện kinh tế, ta rất dễ bắt gặp bộ đồ thờ cúng chính bao gồm bát hương, lư hương – đỉnh, hạc thờ, đèn thờ hoặc mâm bồng, lọ hoa, ống hương, chóe, đài, hoành phi câu đối. v.v được làm từ nhiều chất liệu như sứ, nhựa, gỗ, composite mạ đồng, đồng nguyên chất hoặc hợp kim đồng cao cấp; trong đó chất liệu đồng được ưa chuộng nhất vì tính thẩm mỹ và độ bền cao.
Cách bảo quản và làm mới các sản phẩm bằng đồng
Với đặc tính của kim loại đồng dễ oxy hóa khi tiếp xúc với không khí, bụi bẩn, đặc biệt là với không khí ấm, nóng ở xứ nhiệt đới như Việt Nam càng làm cho những vật dụng đồ thờ bằng đồng trở nên xỉn màu và gây mất thẩm mỹ. Nhiều dịch vụ đánh bóng các sản phẩm đồng được mở ra với chi phí khá cao tùy theo kích thước, số lượng và mức độ xỉn màu của sản phẩm (dao động từ 200.000 – 400,000 đồng/bộ). Tuy nhiên, theo thực tế, gia chủ có thể tiết kiệm chi phí không nhỏ khi không sử dụng dịch vụ nếu áp dụng những “thủ thuật” khá đơn giản mà lại hiệu quả, ít tốn thời gian nhưng vẫn đảm bảo đồ đồng nhà mình sáng bóng, lung linh cho những ngày lễ, tết như sau:
Bước cơ bản:
Để có kết quả tối ưu nhất, trước khi áp dụng các cách tẩy rửa và đánh bóng, cần làm sạch sơ bề mặt các sản phẩm bằng đồng bằng cách cho chúng vào chậu xà phòng và dùng vải mềm lau sạch. Chú ý : Trong trường hợp bị dính sáp nến thì phải loại bỏ sáp nến trước khi rửa bằng xà phòng.
Cách 1: Nước, giấm, kem đánh răng
Trộn hỗn hợp gồm nước, giấm theo tỉ lệ bằng nhau và một chút kem đánh răng. Lấy khăn hoặc vải mềm nhúng vào hỗn hợp này rồi chà lên bề mặt đồ đồng. Tùy theo mức độ bị oxy hóa mà bạn nên làm việc này mạnh hay nhẹ tay để tránh làm hỏng bề mặt đồ đồng.
Ngoài ra, để đánh tan các vết ố nặng trên đồng, bạn nên ngâm đồ đồng vào dung dịch giấm pha loãng, để qua ngày rồi rửa nước ấm rồi lại bằng vải cotton. Chanh, giấm có chứa acid citric (chanh) ,acid acetic (giấm) giúp tạo phản ứng hòa tan oxit đồng.
Cách 2: Muối, giấm
Dùng muối (hạt to) hòa vào nước đun sôi, pha một ít giấm ăn vào khuấy đều, dùng khăn mềm hoặc miếng rửa bát nhúng vào dung dịch vừa pha chà lên bề mặt vật dụng bằng đồng. Sau khi đánh bóng, rửa lại bằng nước ấm và dùng khăn mềm lau khô.
Cách 3: Nước chanh
Dùng vải mềm hoặc miếng rửa bát nhúng vào nước chanh nguyên chất và chà mạnh hoặc nhẹ lên bề mặt vật dụng bằng đồng. Sau đó, rửa lại bằng nước ấm và lau khô bằng khăn mềm. Nước chanh sẽ phản ứng hòa tan oxit đồng, góp phần đánh bật các vết ố trên đồng. Việc rửa bằng nước ấm giúp tăng khả năng hòa tan muối đồng và loại bỏ nó ra khỏi bề mặt một cách dễ dàng nhất.
Cách 4: Hóa chất
Sử dụng Cana (sáp đánh bóng xe hơi có chứa polysiloxane tạo màng kỵ nước) và RP7 (dung dịch có chứa benzotriazole, một chất chống oxi hóa tốt cho đồng và sắt) . Đầu tiên, xịt RP7 lên rồi lau khô bề mặt để chống oxi hóa, sau đó lau qua lớp sáp Cana rồi chờ khô lau lại để tăng bóng và chống ẩm. Các hóa chất nàycó thể dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng đồ đồng.
Thao tác bảo quản, làm sạch và đánh bóng đồ đồng thực chất không khó và không tốn quá nhiều thời gian. Hi vọng rằng, qua những chia sẻ này, bạn có thể chọn cho mình phương pháp hiệu quả nhất để làm sáng đồ thờ bằng đồng, mang lại cảm giác mới mẻ cho bàn thờ gia tiên dịp lễ, tết.